Trên thực tế, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Nhà nước buộc phải tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của người dân trong một số trường hợp nhất định. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, người dân cần phải nắm rõ các quy định của pháp luật về quy trình cưỡng chế thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể vấn đề quy trình cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện như thế nào? Nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất là gì? Ai có thẩm quyền ban hành và tổ chức quyết định cưỡng chế thu hồi đất? Mời bạn theo dõi bài viết sau đây của Tư vấn luật đất đai để được giải đáp những vấn đề này nhé.
Căn cứ pháp lý
Cưỡng chế thu hồi đất là gì?
Căn cứ theo khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.
Theo đó, cưỡng chế thu hồi đất là việc là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành khi có quyết định thu hồi đất mà người sử dụng đất không chấp hành.
Trường hợp nào bị cưỡng chế thu hồi đất?
Căn cứ khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai 2013, việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:
– Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động, thuyết phục.
– Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
– Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành.
– Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.
Do đó, Nhà nước chỉ được quyền tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất khi có đủ 04 điều kiện trên.
Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất
Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại; thực hiện phương án tái định cư trước khi thực hiện cưỡng chế; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; bố trí kinh phí thực hiện.
Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện cưỡng chế theo phương án đã được phê duyệt; bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trường hợp trên đất bị thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán.
Lực lượng Công an căn cứ vào phương án cưỡng chế quyết định thu hồi đất để xây dựng kế hoạch bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định.
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế; tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng niêm phong, di chuyển tài sản của người bị thu hồi đất.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện việc cưỡng chế quyết định thu hồi đất khi có yêu cầu.
Nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất
Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất phải được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
(i) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Việc cưỡng chế phải được cơ quan có thẩm quyền thông tin chính thức tới người có đất bị thu hồi; bảo đảm tính khách quan, công bằng; ngoài ra, khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất cần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
(ii) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
Giờ hành chính được hiểu là thời gian làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước. Theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2012, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần; không có quy định về thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc. Do vậy, các cơ quan hành chính Nhà nước có thể tự quyết định thời gian làm việc của mình, tuy nhiên phải đảm bảo không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần.
Thông thường, hầu hết các cơ quan hành chính Nhà nước áp dụng giờ hành chính để làm việc như sau: Buổi sáng: bắt đầu từ 8 giờ đến 12 giờ. Buổi chiều: bắt đầu từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30. Thời gian làm việc trong tuần kéo dài từ thứ hai đến thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật nghỉ.
Tùy vào tính chất công việc mà giờ hành chính ở các nơi có thể chênh lệch nhau 30 phút hoặc 01 giờ. Ngoài ra, đối với những cơ quan hành chính nhà nước, do tính chất công việc, có thể làm thêm một buổi vào sáng thứ 7.
Quy trình cưỡng chế thu hồi đất
Bước 1: Thành lập Ban thực hiện cưỡng chế
Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.
Thành phần Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất gồm:
(i) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban.
(ii) Các thành viên gồm đại diện các cơ quan tài chính, tài nguyên và môi trường, thanh tra, tư pháp, xây dựng cấp huyện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất và một số thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Bước 2: Vận động, thuyết phục, đối thoại
Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế.
Bước 3: Tổ chức thực hiện cưỡng chế
Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, giao Ủy ban nhân dân cấp xã bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.
Thẩm quyền ban hành và tổ chức quyết định cưỡng chế thu hồi đất
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
Phòng Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Hồ sơ gồm: a) Quyết định thu hồi đất; b) Văn bản đề nghị cưỡng chế thu hồi đất của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; c) Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi về quá trình vận động, thuyết phục người có đất thu hồi theo quy định nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; d) Tờ trình kèm theo dự thảo quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo Mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT.
Mời bạn xem thêm:
- Tranh chấp thừa kế nhà đất giải quyết thế nào?
- Đất đang có tranh chấp thì có được đưa vào kinh doanh không?
- Trưởng thôn được từ chối hòa giải tranh chấp khi có yêu cầu hay không?
Thông tin liên hệ
Trên đây là quan điểm của Tư vấn luật đất đai về “quy trình cưỡng chế thu hồi đất”. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc cần tư vấn về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục mua bán, cho thuê, cho mượn nhà đất khiếu nại, khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai; mẫu hợp đồng đặt cọc nhà đất… vui lòng liên hệ qua hotline: 0833 102 102. Hoặc qua các kênh sau:
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định như sau:
– Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).
– Thành phần Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất gồm:
a) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban;
b) Các thành viên gồm đại diện các cơ quan tài chính, tài nguyên và môi trường, thanh tra, tư pháp, xây dựng cấp huyện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất và một số thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định như sau: Khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất mà người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 71 của Luật Đất đai thì Ban thực hiện cưỡng chế giao tài sản cho Ủy ban nhân dân cấp xã bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.