Đi lấy sổ đỏ cần giấy tờ gì?

03/08/2023 | 16:28 235 lượt xem Thủy Thanh

Câu hỏi: Chào luật sư, bố tôi vừa xin cấp sổ đỏ cho mảnh đất từ ngày xưa ông bà tôi để lại, trên giấy hẹn trả kết quả có ghi là 15 ngày sau lên nhận kết quả, tuy nhiên khi đến ngày lên nhận sổ đỏ thì bố tôi bị ốm đi viện nên không thể đi lên nhận sổ đỏ được, luật sư cho tôi hỏi là tôi có thể lên lấy sổ đỏ thay cho bố tôi được không ạ?, nếu được thì khi “Đi lấy sổ đỏ cần giấy tờ gì”?. Mong luật sư giải đáp.

Khi người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại các cơ quan có thẩm quyền của Nhà Nước thì đối với những thủ tục hành chính cần thời hạn để giải quyết thì người tiếp nhận hồ sơ sẽ viết giấy hẹn trả kết quả cho người yêu cầu. Theo đó, khi di nhận kết quả thì người yêu cầu sẽ phải xuất trình một số giấy tờ cần thiết cho cơ quan có thẩm quyền. Vậy thì khi đi lấy sổ đỏ cần giấy tờ gì?. Hãy cùng Tư vấn luật đất đai tì hiểu ngay nhé.

Quy định về sổ đỏ hiện nay

Hiện nay, không có một văn bản nào quy định về khái niệm sổ đỏ. Sổ đỏ là thuật ngữ được sử dụng để gọi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” dựa vào màu sắc bên ngoài của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được quy định là loại giấy cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.

Trường hợp, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã được cấp trước ngày 10/12/2009 khi vẫn còn giá trị pháp lý thì sẽ không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Nếu có nhu cầu được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong khi đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10/12/2009 thì vẫn sẽ được đổi.

Thẩm quyền cấp sổ đỏ

Một trong những điều kiện để Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có giá trị pháp lý là phải được cấp đúng thẩm quyền. Hiện nay, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân và thẩm quyền cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp hoặc tổ chức khác sẽ có sự khác nhau. Cụ thể như sau:

Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 105 Luật Đất đai 2013 như sau:

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho:

+ Tổ chức, cơ sở tôn giáo;

+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư;

+ Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

– Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho:

+ Hộ gia đình, cá nhân;

+ Cộng đồng dân cư;

+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có liên quan đến thẩm quyền cấp sổ đỏ trong trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 95; khoản 3, Điều 105 của Luật Đất đai như sau:

Đối với địa phương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai thì việc cấp Giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp thực hiện do các cơ quan sau thực hiện:

– Văn phòng Đăng ký đất đai: Đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

– Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc Văn phòng Đăng ký đất đai: Đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được sử dụng con dấu của mình để thực hiện cấp Giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp.

Theo quy định hiện hành, khoản 1 Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định địa phương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận trong các trường hợp:

– Khi người sử dụng đất thực hiện các quyền như mua bán, chuyển mục đích sử dụng,… mà phải cấp mới Giấy chứng nhận;

– Cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận.

Như vậy, Nghị định 10/2023/NĐ-CP đã sửa đổi thẩm quyền cấp sổ đỏ, xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận theo hướng tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong việc thực thiện các thủ tục hành chính này (được thực hiện tại Văn phòng Đăng ký đất đai mà không cần lên Sở Tài nguyên và Môi trường).

Đi lấy sổ đỏ cần giấy tờ gì

Đi lấy sổ đỏ cần giấy tờ gì?

Sau khi đã thực hiện đầy đủ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ lần đầu hoặc sau khi đã thực hiện đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Luật Đất đai 2013.

Người nhận kết quả là sổ đỏ có thể tự mình nhận kết quả hoặc nhờ người khác thay mặt thực hiện (đại diện theo ủy quyền).

Khi nhận sổ đỏ, người đi nhận kết quả mang theo các giấy tờ, tài liệu sau đây:

– Đối với người nhận kết quả là người trực tiếp thực hiện thủ tục xin cấp và đứng tên trên giấy chứng nhận:

+ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng;

+ Phiếu hẹn/giấy hẹn trả kết quả;

– Đối với người nhận kết quả là  người được ủy quyền nhận kết quả:

+ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng của người nhận ủy quyền;

+ Phiếu hẹn/giấy hẹn trả kết quả;

+ Văn bản ủy quyền theo quy định: văn bản ủy quyền thẻ hiện rõ nội dung ủy quyền của mình. Văn bản này phải được công chứng hoặc chứng thực; Thông thường, để tránh rủi ro, văn bản ủy quyền công chứng cần chú ý đến điều khoản thời hạn ủy quyền, việc bàn giao sổ đỏ sau khi nhận kết quả, có hay không có thù lao công chứng…

– Nơi trả sổ đỏ là nơi đã tiếp nhận hồ sơ cấp sổ đỏ, đăng ký biến động theo phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả mà người sử dụng đất yêu cầu.

Cụ thể, gồm các nơi sau:

+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất nếu bạn nộp hồ sơ tại cơ quan này;

+ Bộ phận hành chính 1 cửa (hay còn gọi là trung tâm hành chính công): Nếu địa phương bạn đã thành lập bộ phận này;

+ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của văn phòng đăng ký đất đai và các chi nhánh;

Lệ phí khi làm sổ đỏ

Người có yêu cầu phải nộp một số khoản tiền nhất định, gồm: Lệ phí trước bạ, lệ phí cấp sổ, thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất (nếu có).

Tiền sử dụng đất

Tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Đây là khoản tiền lớn nhất nếu người được cấp sổ đỏ lần đầu phải nộp và chỉ trong trường hợp cấp sổ đỏ lần đầu mới phải nộp và không phải ai cũng biết về khoản tiền này. Đôi khi khoản tiền này chính là rủi ro cho người mua đất chưa có sổ đỏ, vì chưa đánh giá hết được mức nộp tiền sử dụng đất khi được cấp sổ đỏ lần đầu.

Về cơ bản thì căn cứ để tính tiền sử dụng đất phụ thuộc vào nguồn gốc sử dụng đất. Quá trình, thời điểm sử dụng đất và các tài liệu, chứng cứ về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất với nhà nước trong quá trình sử dụng của mình và đối tượng người sử dụng đất là ai.

Lệ phí trước bạ

Lệ phí trước bạ là lệ phí nộp cho Nhà nước khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản.

  • Căn cứ tính lệ phí trước bạ là giá tính lệ phí trước bạ và mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%)”
  • Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành
  • Mức thu lệ phí trước bạ được tính theo tỷ lệ phần trăm, mức thu đối với nhà, đất là 0,5%”

Thuế thu nhập cá nhân

Trong trường hợp, thửa đất xin cấp sổ đỏ có nguồn gốc được mua qua, bán lại qua nhiều người và chưa thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân với Nhà nước thì nay người sử dụng đất xin cấp sổ đỏ lần đầu phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho việc mua bán đất đó.

Các chi phí khác khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Khi thực hiện thủ tục đăng ký cấp sổ đỏ lần đầu, ngoài các khoản chi phí nói trên người sử dụng đất còn phải nộp những khoản chi phí như: phí đo đạc, lệ phí địa chính, phí thẩm định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phí in Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định trên phạm vi tỉnh mình. Thông thường các khoản chi phí này thường không quá nhiều.

Thông tin liên hệ:

Trên đây là nội dung liên quan đến vấn đề Đi lấy sổ đỏ cần giấy tờ gì“. Nếu quý khách hàng đang có bất kỳ băn khoăn hay thắc mắc đến tư vấn pháp lý về hợp đồng mua bán chuyển nhượng nhà đất cần được giải đáp, các Luật sư, luật gia chuyên môn sẽ tư vấn, giúp đỡ tận tình, hãy gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833102102 để được tư vấn nhanh chóng, hiệu quả.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Câu hỏi thường gặp

Những ai được quyền đi lấy sổ đỏ?

Khi đi lấy sổ đỏ/nhận sổ đỏ từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, người nhận kết quả phải chuẩn bị các giấy tờ như căn cước công dân, phiếu hẹn,…
Theo đó, những người được quyền lấy sổ đỏ bao gồm:
– Chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, chủ sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (là những người có tên trên sổ đỏ);
– Người được chủ sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản khác gắn liền với đất ủy quyền thực hiện việc lấy sổ đỏ (ví dụ như tổ chức tín dụng nhận lại giấy chứng nhận sau khi đã đăng ký tài sản bảo đảm tại cơ quan Nhà nước, người được ủy quyền thông qua văn bản ủy quyền từ người có tên trên giấy chứng nhận,…);
Lưu ý: Để được thay mặt nhận sổ đỏ, giữa người nhận ủy quyền và người có tên trên sổ đỏ phải có văn bản ủy quyền theo quy định pháp luật. Thông thường, văn bản này phải được công chứng hoặc chứng thực.
– Người thực hiện lấy sổ đỏ theo Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
Đây là những người có quyền được nhận sổ đỏ/lấy sổ đỏ theo quy định pháp luật.

Thông tin ghi trên Sổ đỏ gồm những gì?

Giấy chứng nhận gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận) và Trang bổ sung nền trắng; mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm; bao gồm các nội dung theo quy định như sau:
Trang 1 của Sổ đỏ
Trang 1 gồm:
– Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ;
– Mục “I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen;
– Dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trang 2 của Sổ đỏ
Trang 2 in chữ màu đen gồm:
– Mục “II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, trong đó có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú;
– Ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận;
– Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận.
Trang 3 của Sổ đỏ
Trang 3 in chữ màu đen gồm:
– Mục “III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”;
– Mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”.
Trang 4 của Sổ đỏ
Trang 4 in chữ màu đen gồm:
– Nội dung tiếp theo của mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”;
– Nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch.
Trang bổ sung của Sổ đỏ
Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm:
– Dòng chữ “Trang bổ sung Giấy chứng nhận”;
– Số hiệu thửa đất;
– Số phát hành Giấy chứng nhận;
– Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận;
– Mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận” như trang 4 của Giấy chứng nhận.