Thủ tục làm sổ hồng đồng sở hữu năm 2023

11/04/2023 | 09:02 151 lượt xem Thủy Thanh

Căn cứ theo màu sắc và đặc điểm của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là bìa có màu hồng nền hiện nay người dân hay gọi giấy chứng nhận này là sổ hồng. Khi một mảnh đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét và cấp giấy chứng nhận này cho người sử dụng đất thì điều này có ý nghĩa là nhà nước đã công nhận quyền sử dụng đất của người dân này, qua đó người dân có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình đối với mảnh đất đó. Vậy pháp luật quy định như thế nào về ” Thủ tục làm sổ hồng đồng sở hữu”?. Hãy cùng tìm hiểu qu bài viết dưới đây của Tư vấn luật đất đai nhé.

Quy định về sổ hồng đồng sở hữu

Pháp luật đất đai và nhà ở qua các thời kỳ không quy định thuật ngữ “Sổ hồng”. Đây là cách người dân thường gọi dùng để chỉ Giấy chứng nhận về nhà đất dựa theo màu sắc.

– Trước ngày 10/12/2009, ở Việt Nam tồn tại loại Giấy chứng nhận mà bìa có màu hồng dùng để chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (thường gọi là Sổ hồng theo mẫu của Bộ Xây dựng) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa màu đỏ – thường gọi là Sổ đỏ theo mẫu của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

– Từ ngày 10/12/2009, khi Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực thì người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo một mẫu thống nhất với tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Lưu ý: Tuy từ ngày 10/12/2009, chỉ cấp một loại Giấy chứng nhận theo mẫu chung (có bìa màu hồng cánh sen) nhưng các loại Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở được cấp trước đó vẫn có giá trị pháp lý và không bắt buộc cấp đổi sang mẫu Giấy chứng nhận mới.

Như vậy, “Sổ hồng” là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Khác với sổ hồng riêng, chủ thể của sổ hồng đồng sở hữu gồm 2 người trở lên – không có quan hệ vợ chồng hay con cái. Sổ được chia thành nhiều bản có giá trị tương đương nhau, mỗi bản được cấp riêng cho cá nhân có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trên bìa sổ hồng đồng sở hữu có thêm nội dung: “Cùng sử dụng đất với…”

Trong trường hợp các chủ thể yêu cầu, Giấy chứng nhận được cấp chung, trao cho người đại diện và phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất.

Do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, sổ hồng chung được Nhà nước cấp và công nhận, áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất,… theo Nghị định Chính phủ số 88/2009/NĐ-CP và Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT. 

Thủ tục làm sổ hồng đồng sở hữu

Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ khoản 1, Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, khi thực hiện thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu, bạn phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:

  • Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK;
  • Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;
  • Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
  • Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
  • Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
  • Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
Thủ tục làm sổ hồng đồng sở hữu

Thủ tục làm sổ đỏ đồng sở hữu bao gồm các bước như sau:

Bước 1: Người có nhu cầu cấp giấy chứng nhận nộp hồ sơ

Căn cứ theo Khoản 2, Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, nơi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được quy định như sau:

  • Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  • Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
  • Trường hợp nếu có nhu cầu, Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn nơi có đất).

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Căn cứ Khoản 5, Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP

  • Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả và trao Phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ.
  • Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Bước 3: Giải quyết

Đối với cơ quan có thẩm quyền: Trong giai đoạn này, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc theo nhiệm vụ để đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

Đối với người sử dụng đất: Thực hiện nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận…). Khi nhận được thông báo nộp tiền thì nộp theo đúng số tiền, thời hạn như thông báo và lưu giữ chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính để xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận.

Bước 4: Trao kết quả

Sau khi Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ cập nhật thông tin vào Sổ địa chính và trao Giấy chứng nhận cho người được cấp đã nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc gửi Giấy chứng nhận cho Uỷ ban nhân dân cấp xã để trao cho người được cấp đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Người được cấp Giấy chứng nhận nhận lại bản chính giấy tờ đã được xác nhận cấp Giấy chứng nhận và Giấy chứng nhận.

Sử dụng sổ hồng đồng sở hữu có những điểm thuận lợi và hạn chế gì?

Thuận lợi

Cho những người có thu nhập thấp

Đầu tiên, hình thức sổ hồng như thế này sẽ giúp những người có thu nhập thấp không đủ điều kiện kinh tế có thể có được cho mình một quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất nhất định.

Người sở hữu giải quyết trường hợp diện tích tối thiểu khi tách thửa

Ví dụ như ở địa bàn các quận 7, 12, Bình Tân, thành phố Thủ Đức và thị trấn các huyện quy định diện tích tối thiểu khi tách thửa đất ở là 50 m2, trong đó chiều rộng không nhỏ hơn 4 m. Nếu bạn có diện tích nhỏ hơn thế nhưng vẫn muốn có cho mình sổ hồng thì việc “kết hợp” với người khác để xin sổ hồng đồng sở hữu sẽ là lựa chọn khá thuận tiện.

Người mua đất giấy tay

Cuối cùng, giúp những ai mua đất giấy tay tránh gặp phải rủi ro bị chủ đứng tên trên sổ lật kèo, bị cưỡng chế thi hành án nếu chẳng may chủ cũ dùng sổ để vay trả góp, muốn thực hiện thủ tục pháp lý gì cũng phải tốn thời gian chờ đợi chủ cũ ký tên.

Hạn chế

Ngoài những mặt tích cực thì sổ hồng đồng sở hữu vẫn còn nhiều hạn chế chưa thể khắc phục được như:

Thủ tục giấy tờ phức tạp

Phải nói điểm trừ lớn nhất của hình thức sổ hồng đồng sở hữu chính là thủ tục giấy tờ phức tạp, tốn nhiều thời gian. Những việc như ký kết, mua bán, xin xây dựng, tranh chấp, chuyển nhượng, thế chấp, ủy quyền, thừa kế… mọi thứ có liên quan tới đất đều cần sự chấp thuận của tất cả các bên sở hữu của sổ hồng chung. Nếu một trong số các bên sở hữu không đồng ý thì sự việc sẽ phức tạp rất nhiều. 

Bất lợi cho người mua sau này khi mua nhà

Ngoài ra khi mua nhà có sổ đồng sở hữu cũng sẽ gây bất lợi cho người mua sau này về mặt giá bán (thường sẽ thấp hơn thị trường) cũng như khiến bạn mất nhiều thời gian và công sức để tìm người giao dịch.

Thông tin liên hệ

Trên đây là nội dung liên quan đến vấn đề Thủ tục làm sổ hồng đồng sở hữu“.  Nếu quý khách hàng đang có bất kỳ băn khoăn hay thắc mắc đến dịch vụ pháp lý như khung giá đền bù đất đai cần được giải đáp, các Luật sư, luật gia chuyên môn sẽ tư vấn, giúp đỡ tận tình, hãy gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833.102.102 để được tư vấn nhanh chóng, hiệu quả.

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp

Trường hợp nào đăng ký biến động được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Theo khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, khoản 2, khoản 3 Điều 1 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT có quy định về các trường hợp đăng ký biến động được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm:
– Hợp nhiều thửa đất thành một thửa đất mới; tách một thửa đất thành nhiều thửa đất mới phù hợp với quy định của pháp luật; thửa đất được tách ra để cấp riêng Giấy chứng nhận đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã được cấp chung cho nhiều thửa;
– Chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
– Người thuê, thuê lại quyền sử dụng đất của nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;
– Trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng một phần diện tích đất, tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận đã cấp dưới các hình thức quy định tại Điểm a Khoản này;
– Thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng hoặc của nhóm người cùng sở hữu, sử dụng;
– Chứng nhận bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận;
– Thay đổi toàn bộ các thông tin thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính; thay đổi diện tích đất ở trong thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở do xác định lại diện tích đất ở theo quy định;
– Giấy chứng nhận đã cấp bị hư hỏng hoặc bị mất;
– Các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà trên trang 4 của Giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi;
– Các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại các điểm a, b, e, g, h, l, m, n và r Khoản 1 Điều này mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp mới Giấy chứng nhận.

Đất đồng sở hữu có bán được hay không và làm thế nào để bán?

Đất đồng sở hữu có thể sang nhượng, mua bán như các loại đất khác, miễn là có sự đồng thuận của người đồng sở hữu. Theo luật dân sự quy định, việc mua bán tài sản chung (ở đây là đất đồng sở hữu) được định đoạt dựa trên thỏa thuận của các chủ sở hữu hoặc quy định của pháp luật.
Trong trường hợp các chủ sở hữu đất không thể thống nhất ý kiến, người có nhu cầu mua bán đất sẽ phải thực hiện tách thửa đất thuộc quyền của mình theo quy định. Sau khi thủ tục tách thửa được thông qua, người mua bán sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng và được toàn quyền định đoạt mẩu đất của mình.
Trong trường hợp đất đồng sở hữu có người đại diện thì các thành viên có thể ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền mua bán đất đồng sở hữu.
Ngoài ra, theo luật dân sự, trong trường hợp một chủ sở hữu bán phần quyền sở hữu của mình thì các chủ sở hữu khác có quyền ưu tiên mua (ở đây là mua đất đồng sở hữu).

Phân biệt Sổ hồng riêng và Sổ hồng đồng sở hữu ra sao?

Sổ hồng riêng: Đây là giấy chứng nhận riêng biệt của chủ sở hữu. Trong Sổ hồng riêng sẽ có số thửa bản đồ riêng, số lô riêng, cùng tên của người trực tiếp đứng tên. Người đứng tên trên Sổ hồng riêng sẽ có toàn quyền quyết định mục đích sử dụng, cũng như có trách nhiệm pháp lý về bất động sản do mình đứng tên.
Sổ hồng đồng sở hữu: Đây là giấy chứng nhận quyền sở hữu chung, tài sản sẽ có từ 2 người trở lên sở hữu mà không có quan hệ vợ chồng hay con cái. Sổ hồng đồng sở hữu còn được gọi là Sổ hồng chung hay Sổ riêng chung thửa.
Khi người dân được cấp Sổ hồng chung thì từng chủ sở hữu đều được cấp một bản Sổ hồng chung có giá trị như nhau và sổ của ai thì sẽ có tên người đó. Tuy nhiên, trong sổ chỉ ghi diện tích đất, mỗi chủ sở hữu diện tích đất/nhà như thế nào thì sẽ làm biên bản thỏa thuận giữa các bên với nhau.
Về mặt pháp lý, Sổ hồng riêng và Sổ hồng đồng sở hữu đều có giá trị pháp lý bằng nhau. Chúng đều được Chính phủ cấp và công nhận quyền sở hữu, được áp dụng trên cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất, theo nghị định 88/2009/NĐ-CP do Chính phủ ban hành và Thông tư 17/2009/TT-BTNMT của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường.