Quy định về thu hồi đất làm dự án

08/09/2022 | 15:58 27 lượt xem Tình

Hiện nay, có rất nhiều hộ gia đình có mảnh đất nằm trong khu dự án tương lai. Nhà nước sẽ ra quyết định thu hồi mảnh đất đó để thực hiện dự án. Xoay quanh vấn đề này có những thắc mắc như: Những dự án nào thuộc diện nhà nước thu hồi đất? Quy trình thủ tục thu hồi đất để thực hiện dự án như thế nào? Để trả lời cho các câu hỏi trên, xin mời bạn đọc theo dõi bài viết “Quy định về thu hồi đất làm dự án” của Tư vấn luật đất đai.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Đất đai 2013

Hiểu như thế nào về thu hồi đất?

Theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì:

Thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định và tiến hành thu hồi lại quyền sử dụng đất đã trao cho người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất nhưng có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất trong hai nhóm: Một là, cho mục đích quốc phòng, an ninh và hai là, cho mục đích để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

Nhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

  • Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh.
  • Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.
  • Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
  • Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Quy định về thu hồi đất làm dự án

Dự án nào thuộc diện nhà nước thu hồi đất?

Căn cứ vào quy định tại Điều 62 Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau.

1. Các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất.

2. Các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm:

  • Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
  • Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia.
  • Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải.

3. Các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất, bao gồm:

  • Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương.
  • Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải.
  • Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng.
  • Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tha bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.

Quy trình thủ tục thu hồi đất để thực hiện dự án

Điều 69 và Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội gồm các bước như sau:

Thông báo thu hồi đất

Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất.

Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn), địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Điều tra, khảo sát, đo đạc, thống kê, kiểm đếm

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc.

Lấy ý kiến, lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện một số công việc sau:

  • Có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
  • Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.

Sau khi có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án đó khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.

Quy định về thu hồi đất làm dự án
Quy định về thu hồi đất làm dự án

Quyết định thu hồi đất

Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền (cấp tỉnh, cấp huyện) quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày.

Gửi, phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư

Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt.

Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức thì UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.

Nếu người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế.

Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất (nếu có)

Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

  • Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục.
  • Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
  • Quyết định cưỡng chế  thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành.
  • Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin liên hệ

Trên đây là quan điểm của Tư vấn luật đất đai về “Quy định về thu hồi đất làm dự án”. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc cần tư vấn về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục mua bán, giá chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư, phí chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư, cho thuê, cho mượn nhà đất khiếu nại, khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai;…

Vui lòng liên hệ qua hotline: 0833 102 102.

Câu hỏi thường gặp

Thẩm quyền thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thế nào?

Khoản 1 Điều 66 Luật Đất đai 2013 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau:
(1) Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
(2) Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn (Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền cho thuê đất công ích tại địa phương mình nhưng thu hồi thuộc về cấp tỉnh).

Thẩm quyền thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện như thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 66 Luật Đất đai 2013, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau:
(1) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
(2) Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Lưu ý: Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.

Doanh nghiệp có được phép mua, thuê đất làm dự án không?

Tại Điều 73 Luật Đất đai 2013, cụ thể:
“1. Việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
2. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh.”.
Theo đó, doanh nghiệp có quyền thỏa thuận với người dân để thống nhất về giá chuyển nhượng, giá thuê đất. Nói cách khác, doanh nghiệp không có quyền thu hồi hay bắt ép người sử dụng đất rời đi nơi khác để lấy đất làm dự án, xây dựng nhà xưởng,…vì lợi ích của doanh nghiệp.