Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia

07/09/2022 | 15:15 7 lượt xem Tình

Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025. Nghị quyết này được ban hành sau khi xem xét Tờ trình số 490/TTr-CP của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025; Báo cáo thẩm tra số 314/BC-UBKT15 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Bài viết dưới đây của Tư vấn Luật Đất đai sẽ nêu rõ những nội dung nổi bật trong Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Căn cứ pháp lý

  • Nghị quyết số 39/2021/QH15

Tình trạng pháp lý Nghị quyết 39/2021/QH15

Số hiệu
39/2021/QH15
Loại văn bảnNghị quyết
Nơi ban hành
Quốc hội
Người kýVương Đình Huệ
Ngày ban hành
13/11/2021
Ngày hiệu lực28/12/2021
Ngày công báoSố công báoTừ số 1023 đến số 1024
Tình trạngCòn hiệu lực

Mục tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia

03 mục tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia như sau:

Bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao;

Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 – 43%;

Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Nghị quyết cũng quy định cụ thể định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2050.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Về chính sách, thể chế quy hoạch

Sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật có liên quan (trong đó có chính sách về tài chính đất đai) để bảo đảm sự đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai. Hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn, quan tâm phúc lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội;

Hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn các thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền được phân cấp; quan tâm thu hút đầu tư, phát triển tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; thúc đẩy phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn;

Hoàn thiện các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch; cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300 nghìn ha đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp;

Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tạo không gian cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, tạo quỹ đất ở vùng phụ cận dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn để đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu từ đất đai;

Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí, định mức, quy định về suất đầu tư trên một đơn vị diện tích để bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất đai.

Về khoa học và công nghệ

Đẩy nhanh chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện, kết nối liên thông hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, trong đó có dữ liệu về quy hoạch quản lý cập nhật biến động đến từng thửa đất, công bố công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dự báo, cảnh báo điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và hội nhập quốc tế.

Về nguồn lực

Bảo đảm nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất; bảo đảm nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất.

Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi quỹ đất bị suy thoái

Khai thác hợp lý, hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông, ven biển cho phát triển rừng, phát triển cây xanh trong đô thị và khu công nghiệp; quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

Thúc đẩy, khuyến khích phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính, bảo đảm quỹ đất cho phát triển các khu xử lý, tái chế rác thải liên vùng, liên tỉnh. Lựa chọn các công nghệ tiên tiến, công nghệ ít phát thải trong thu hút các dự án có sử dụng đất với các khu vực nhạy cảm về môi trường;

Di dời các điểm, khu dân cư, các cơ sở sản xuất ra khỏi các vùng, khu vực có nguy cơ thiên tai, tai biến địa chất, sạt lở, sụt lún;

Tăng cường các giải pháp cải tạo, bảo vệ môi trường đất, nước và đa dạng sinh học, đặc biệt đối với đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa; ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hóa đất, ô nhiễm đất.

Về kiểm tra, thanh tra, giám sát

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất.

Về tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức

Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng;

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Tải xuống Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia – Nghị quyết 31/2021/QH15

Có thể bạn quan tâm

Thông tin liên hệ

Trên đây là quan điểm của Tư vấn luật đất đai về “Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia”. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc cần tư vấn về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục mua bán, phí làm sổ đỏ, cho thuê, cho mượn nhà đất khiếu nại, khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai;…

Vui lòng liên hệ qua hotline: 0833 102 102.

Câu hỏi thường gặp

Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia?

Căn cứ khoản 2 Điều 38 Luật Đất đai 2013 quy định về nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia bao gồm:
a) Định hướng sử dụng đất 10 năm;
b) Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất đối với nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng; trong đó xác định diện tích một số loại đất gồm đất trồng lúa, đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất khu chế xuất, đất khu công nghệ cao, đất khu kinh tế, đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, đất đô thị và đất bãi thải, xử lý chất thải;
c) Xác định diện tích các loại đất quy định tại điểm b khoản này của kỳ quy hoạch đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh và vùng kinh tế – xã hội;
d) Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và các vùng kinh tế – xã hội;
đ) Giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia gồm những gì?

Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia bao gồm:
a) Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia; quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế – xã hội; chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;
b) Điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội;
c) Hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia kỳ trước;
d) Nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực;
đ) Tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất.

Nghị quyết 39/2021/QH15 quy định định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2050 thế nào?

Thứ nhất: Tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh, hoàn thành mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Không gian sử dụng đất được phân bổ dựa trên tiềm năng của các vùng sinh thái nông nghiệp, lợi thế hành lang kinh tế ven biển và 06 vùng kinh tế – xã hội, bảo đảm cân đối được yêu cầu an ninh lương thực, mục tiêu thiên niên kỷ về môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh; bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.
Thứ hai: Việc bố trí định hướng không gian sử dụng đất theo vùng lãnh thổ
+ Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: tập trung bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn nhằm bảo đảm về an ninh môi trường và bảo vệ hệ sinh thái; bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước các hồ, đập để điều tiết nước sản xuất và sinh hoạt…
+ Vùng Đồng bằng sông Hồng: xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn…
+ Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp. Phát triển nhanh, đồng bộ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
+ Vùng Tây Nguyên: nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp, cây dược liệu; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế…
+ Vùng Đông Nam Bộ: Thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế; phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – Thành phố Hồ Chí Minh – Cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á; tập trung phát triển cảng biển Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng biển container trung chuyển quốc tế; xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành…
+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản; phát triển chuỗi giá trị về nông nghiệp đối với 03 sản phẩm chủ lực của vùng về thủy sản, trái cây và lúa gạo; vùng trọng điểm về trồng lúa tại khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; vùng trồng cây ăn quả ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực cù lao; vùng nuôi trồng thủy sản tại khu vực ven biển từ Tiền Giang đến Hà Tiên…