Người đã chết có được cấp sổ đỏ không?

18/04/2023 | 09:00 1060 lượt xem Thanh Thùy

Người đã chết có được cấp sổ đỏ không?

Chào Luật sư, hiện nay quy định về việc cấp sổ đỏ cho người dân có khó không? Trước đây chú tôi có mua của hàng xóm một mảnh đất. Các bên đã thực hiện xong các thủ tục cần thiết chỉ cần sang tên sổ đỏ nhưng chú tôi đột ngột qua đời. Vậy hiện giờ chú tôi có được đứng tên quyền sử dụng mảnh đất đó không? Người đã chết có được cấp sổ đỏ không theo quy định hiện nay? Mong Luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng dịch vụ tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi xin được tư vấn cho bạn như sau:

Người đã chết có được cấp sổ đỏ không?

Sổ đỏ được hiểu là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dựa trên màu sắc của bìa sổ mà người dân hay gọi là sổ đỏ, sổ hồng. 

Từ ngày 10/12/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu Giấy chứng nhận mới áp dụng chung trên phạm vi cả nước với tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận có bìa màu hồng).

Và theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai năm 2013, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được hiểu là một chứng thư pháp lý nhằm mục đích cho việc xác nhận, công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cũng như tài sản khác gắn liền với đất một cách hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức. 

Đối với trường hợp thửa đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nay muốn cấp mà người sử dụng đất đó đã mất thì không thể cấp sổ đỏ cho đối tượng đã mất. Bởi theo quy định của luật đất đai, người sử dụng đất muốn cấp sổ đỏ lần đầu phải nộp hồ sơ để cấp hoặc ủy quyền cho đối tượng khác để cấp sổ. Tuy nhiên, một người đã mất thì không còn tồn tại và đương nhiên không thể phát sinh quyền cũng như nghĩa vụ theo quy định để thực hiện các thủ tục.

Do đó, Nhà nước không thể cấp sổ đỏ cho người đã mất mà phải thực hiện các thủ tục khai nhận di sản thừa kế, sau đó người thừa kế được cơ quan nhà nước công nhận quyền tài sản đối với thửa đất mà người chết để lại rồi với thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ cho người thừa kế. 

Đất chưa có sổ đỏ có khai nhận di sản thừa kế được không? 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai năm 2013, điều kiện để thực hiện quyền thừa kế một thửa đất bao gồm: 

– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

– Đất không nằm trong diện tranh chấp. 

– Quyền sử dụng đất không nằm trong diện kê biên thi hành án. 

– Đất còn thời hạn sử dụng đất đối với đất thuộc diện có thời hạn. 

Bên cạnh đó, theo quy định tại Mục II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, đối với đất mà do người chết để lại mà không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất đó vẫn được coi là di sản và không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế. 

Trường hợp người đã mất để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác gắn liền với đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì được phân biệt như sau:

+ Đương sự có văn bản của Ủy ban nhân dân có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất là hợp pháp nhưng chưa kịp để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khi đó hướng giải quyết là Tòa án yêu cầu chia thừa kế là tài sản gắn liền với đất và quyền sử dụng đất đó.

+ Nếu đương sự không có văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân có thẩm quyền việc sử dụng đất đó là hợp pháp, tuy nhiên có văn bản của Ủy ban thể hiện rõ việc sử dụng đất không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất thì hướng xử lý khi đó là Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản gồm tài sản gắn liền với đất.

+ Có văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân về việc sử dụng đất không hợp pháp, tài sản gắn liền với đất không được phép tồn tại trên đất thì Tòa án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.

Do vậy, dựa trên các quy định trên, đối với phần đất chưa có sổ đỏ, sổ hồng nhưng quyền sử dụng đất được xác định là di sản vẫn có thể được chia di sản thừa kế đúng quy định. 

Thủ tục cấp Sổ đỏ cho người đã mất thế nào?

Trường hợp 1: Cấp Sổ đỏ lần đầu nhưng người sử dụng đất đã mất.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có những gì?

Khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định hộ gia đình, cá nhân cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như sau:

– Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK.

– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

– Trường hợp đăng ký quyền sử dụng đất thì phải nộp một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (giấy tờ về thừa kế).

Lưu ý: Trường hợp sử dụng đất do nhận thừa kế trước ngày 01/7/2014 khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người thừa kế nộp văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật như di chúc, văn bản khai nhận di sản,… (theo khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu

Cách 2: Không nộp tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất

– Nếu địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

– Đối với địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và giải quyết.

Bước 4: Trả kết quả.

Thời gian giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Thời gian trên không tính các khoảng thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật; thời gian trưng cầu giám định

Trường hợp 2: Cấp sổ đỏ khi thực hiện các quyền của ngưởi sử dụng đất (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…) nhưng người sử dụng đất lại mất trước khi nhận được Sổ đỏ.

Căn cứ theo khoản 4 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có quy định trình tự thủ tục như sau:

Bước 1: Tiến hành phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Bước 2: Nộp bổ sung giấy tờ về thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế cho Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận thừa kế vào Giấy chứng nhận đã ký hoặc lập hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được thừa kế theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bước 4: Người được thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đã chết phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Bố mất trước khi đất được cấp Sổ, con được hưởng thừa kế không?

Căn cứ theo Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”

Căn cứ theo khoản 1, Điều 168 Luật Đất đai 2013 có quy định về thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất:

“Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

Theo quy định trên, trong trường hợp người bố mất trước khi được cấp Sổ đỏ nhưng người này đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thì vẫn có quyền để lại di sản thừa kế cho các con của mình.

Thông tin liên hệ

Luật sư tư vấn luật đất đai đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề “Người đã chết có được cấp sổ đỏ không?” Ngoài ra, chúng tôi  có hỗ trợ dịch vụ pháp lý khác liên quan đến hợp đồng ủy quyền công chứng mua bán nhà đất… Hãy nhấc máy lên và gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833102102 để được đội ngũ Luật sư, luật gia giàu kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ, đưa ra giải đáp cho quý khách hàng.

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp

Khi nào phân chia di sản thừa kế theo pháp luật?

Theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong các trường hợp sau:
– Không có di chúc;
– Di chúc không hợp pháp;
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc nhưng không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ai được hưởng thừa kế theo pháp luật theo quy định?

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Theo đó, tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, những người thừa kế theo pháp luật được chia theo thứ tự 03 hàng thừa kế:
– Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai: Ông bà nội, ngoại; anh, chị, em, ruột của người chết; cháu ruột gọi người chết là ông bà nội, ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba: Cụ nội, ngoại; bác, chú, cậu, cô, dì ruột; cháu gọi người chết là bác, chú, cô, dì ruột; chắt gọi người chết là cụ nội, ngoại.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là gì?

Những người thừa kế theo pháp luật có quyền yêu cầu công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Trong đó, người thừa kế có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác;