Xin chào Luật sư, tôi có thắc mắc về quy định pháp luật, mong được luật sư tư vấn giải đáp giúp tôi. Cụ thể là nay tôi đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, gia đình tôi có 3 anh chị em, bố mẹ nay đang sinh sống ở quê. Bố mẹ tôi có một thửa đất do nay không có nhu cầu sử dụng đến đất này nữa nên bố mẹ tôi muốn bán đất này đi, hiện nay thì tất cả ba chị em tôi đều có tên trong hộ khẩu của gia đình. Tôi thắc mắc rằng khi bố mẹ tôi bán đất có cần chữ ký của người trong hộ khẩu hay không? Và có cần tất cả các thành viên có mặt khi gia đình bán đất hay không? Mong luật sư tư vấn giúp, tôi xin cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tư vấn luật đất đai, tại nội dung bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn, mời bạn đọc tham khảo.
Căn cứ pháp lý
- Luật đất đai 2013
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- Bộ luật Dân sự 2015
- Thông tư 02/2015/TT-BTNMT
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP
Muốn bán đất cần chữ ký của những ai?
Người dân được thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thực tế gọi là bán đất) khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và Luật Đất đai 2013 thì ai có quyền sử dụng đất thì có quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất đó, cụ thể:
– Đất đai thuộc quyền sử dụng riêng của cá nhân nào thì cá nhân đó có quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất đó.
– Đất đai thuộc quyền sử dụng chung (hộ gia đình, vợ chồng,…) thì việc định đoạt đối với quyền sử dụng đất được thực hiện theo thỏa thuận của các thành viên có quyền sử dụng chung.
Như vậy, về nguyên tắc thì ai có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì phải ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng. Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng chung thì có thể ủy quyền cho một người đứng ra đại diện ký hợp đồng chuyển nhượng.
Bán đất có cần chữ ký của người trong hộ khẩu hay không?
Theo quy định pháp luật hiện hành, nếu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên “Hộ ông/bà” thì quyền sử dụng đất đó thuộc sở hữu chung của tất cả các thành viên trong hộ bao gồm cả cha mẹ và các con. Trường hợp này, theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT thì khi cha mẹ bán đất thì phải có sự đồng ý bằng văn bản và chữ ký của các con là thành viên của hộ gia đình sử dụng đất và văn bản đồng ý đó phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
Trường hợp hộ gia đình có thành viên chưa thành niên, hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì cần có sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 58 Bộ luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý, để được xác định là thành viên hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất thì cần đáp ứng 02 điều kiện sau:
-Có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;
-Đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất
Như vậy, nếu con sinh ra sau thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất thì dù là đất cấp cho hộ gia đình thì cũng không có quyền sử dụng đất chung.
Có cần tất cả các thành viên có mặt khi gia đình bán đất hay không?
Theo phân tích nêu trên, có thể hiểu khi chuyển nhượng nhà đất của hộ gia đình thì phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền ký tên. Đồng thời, người ký hợp đồng chuyển nhượng phải có sự đồng ý của các thành viên có chung quyền sử dụng đất. Nội dung này được quy định rõ tại khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, cụ thể:
“Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.”.
Tóm lại, khi ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất của hộ gia đình thì các thành viên có chung quyền sử dụng đất không nhất thiết phải có mặt mà chỉ cần có văn bản đồng ý chuyển nhượng được công chứng hoặc chứng thực để người đứng tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền ký hợp đồng chuyển nhượng với bên mua.
Bán đất là tài sản chung của vợ chồng cần chữ ký của ai?
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Đồng thời, Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau:
– Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
– Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
+ Bất động sản;
+ Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
+ Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Do đó, trường hợp quyền sử dụng đất được xác định là tài sản chung của vợ chồng thì khi chuyển nhượng cho người khác phải có sự đồng ý của hai vợ chồng và về nguyên tắc thì cần phải có chữ ký của cả hai vợ chồng trong hợp đồng chuyển nhượng đó, trừ trường hợp một bên có văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực) cho bên còn lại thực hiện việc chuyển nhượng và ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Thông tin liên hệ:
Trên đây là nội dung bài viết liên quan đến vấn đề “Bán đất có cần chữ ký của người trong hộ khẩu hay không?“. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả, Tư vấn luật đất đai với đội ngũ luật sư, luật gia và chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ pháp lý như tư vấn pháp lý về chia nhà ở khi ly hôn. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe mọi thắc mắc của quý khách hàng. Thông tin chi tiết quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số hotline: 0833102102
Mời bạn xem thêm:
- Thời hạn chi trả tiền bồi thường cho người có đất thu hồi quy định bao lâu?
- Kinh doanh bất động sản có bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp không?
- Đất đang có tranh chấp thì có được đưa vào kinh doanh không?
Câu hỏi thường gặp:
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất khi có đủ điều kiện sau:
– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013.
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 14 của Thông tư số 02/2015/TT- BTNMT; Nghị định số 44/2014/NĐ-CP thì “Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Như vậy, văn bản đồng ý chuyển nhượng của các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
Trong trường hợp con cái ở xa không trực tiếp về ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở được thì có thể là văn bản chấp thuận, văn bản này thể hiện nội dung chấp thuận của con cái đối với việc cho cha mẹ bán nhà, giấy chấp thuận này được công chứng hoặc được chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã.