Hướng dẫn cách ghi sổ mục kê đất đai như thế nào?

31/05/2023 | 15:26 90 lượt xem Trà Ly

Sổ mục kê đất đai phải được ghi và trình bày theo nguyên tắc mà pháp luật quy định, nhờ đó mà việc quản lý và lưu trữ thông tin đất đai thì rất lâu về trước được tốt hơn. Người kiểm tra thông tin của sổ mục kê đất đai phải nắm được cách ghi cũng như cách trình bày của sổ mục kê đất đai để dễ dang nắm bắt thông tin của mảnh đất hơn. Nếu bạn đang gặp khó khăn khi ghi sổ mục kê đất đai, hãy tham khảo Hướng dẫn cách ghi sổ mục kê đất đai dưới đây của Tư vấn luật đất đai nhé, hy vọng giúp ích cho bạn trong cuộc sống.

Căn cứ pháp lý

Sổ mục kê đất đai là gì?

Theo khoản 1 Điều 20 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định thì sổ mục kê đất đai được hiểu là loại sổ được lập để liệt kê các thửa đất và đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất theo kết quả đo vẽ lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã.

Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 20 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT thì sổ mục kê đất đai sẽ được lập dưới dạng số, và được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu đất đai, được in cùng với bản đồ địa chính để lưu trữ và được sao lưu để sử dụng đối với nơi chưa có điều kiện khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai. Việc lập sổ mục kê đất đai được thực hiện sau khi đã hoàn thành việc biên tập mảnh bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính.

Hướng dẫn cách ghi sổ mục kê đất đai năm 2023

Nguyên tắc lập sổ mục kê ra sao?

Sổ mục kê phải được lập theo nguyên tắc quy định để dễ dang quản lý và lưu trữ thông tin. Người kiểm tra thông tin cũng có thể dễ dàng hiểu và nắm rõ được thông tin mảnh đất khi sổ mục kê được lập theo đúng nguyên tắc. Do đó, khi lập sổ mục kê phải tuân thủ nguyên tắc mà pháp luật quy định. Căn cứ Điều 20 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định một số đặc điểm cần phải chú ý hay một số nguyên tắc cơ bản trong việc lập sổ mục kê như sau:

– Sổ mục kê được lập trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nhằm liệt kê các thửa đất và đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất theo kết quả đo vẽ lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất của xã đó;

– Nội dung chính của sổ mục kê gồm:

“2. Nội dung sổ mục kê đất đai gồm số thứ tự tờ bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính; số thứ tự thửa đất, đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất; tên người sử dụng, quản lý đất; mã đối tượng sử dụng, quản lý đất; diện tích; loại đất (bao gồm loại đất theo hiện trạng, loại đất theo giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất).”

– Sổ mục kê được lập theo mẫu tại Phụ lục số 15 ban hành theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT và được thực hiện sau khi hoàn thành việc biên tập mảnh bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính theo quy định pháp luật;

– Sổ mục kê được lập dưới dạng số, vị trí lưu giữ là trong cơ sở dữ liệu đất đai;

– Sổ mục kê được in cùng với bản đồ địa chính để lưu trữ (lưu trữ tại cơ quan Nhà nước theo quy định) và được sao để sử dụng đối với nơi chưa có điều kiện khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định pháp luật.

Như vậy, khi lập sổ mục kê thì cần tuân thủ những nguyên tắc và yêu cầu cơ bản như trên.

Mẫu sổ mục kê đất đai

Hướng dẫn cách ghi sổ mục kê đất đai

– Cột Tờ bản đồ số: ghi số thứ tự của tờ bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã.

– Cột Thửa đất số: ghi số thứ tự của thửa đất, đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất từ số 1 đến hết theo từng tờ bản đồ địa chính, từng mảnh trích đo địa chính.

– Cột Tên người sử dụng, quản lý đất:

+ Ghi “Ông (hoặc Bà)”, sau đó ghi họ và tên người đối với cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

+ Ghi “Hộ ông (hoặc Hộ bà)”, sau đó ghi họ và tên chủ hộ đối với hộ gia đình;

+ Ghi tên tổ chức theo giấy tờ về việc thành lập, công nhận hoặc đăng ký kinh doanh, đầu tư;

+ Ghi tên thường gọi đối với cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư.

Trường hợp có nhiều người sử dụng đất cùng sử dụng chung thửa đất (kể cả trường hợp hai vợ chồng, trừ đất có nhà chung cư) thì ghi lần lượt tên của từng người sử dụng chung vào các dòng dưới kế tiếp.

– Cột Đối tượng sử dụng, quản lý đất: ghi loại đối tượng sử dụng đất loại đối tượng quản lý đất bằng mã (ký hiệu) theo quy định về thống kê, kiểm kê đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

– Cột Diện tích (cột 5 và cột 7):

+ Ghi diện tích của thửa đất theo đơn vị mét vuông (m2) làm tròn đến một (01) chữ số thập phân;

+ Trường hợp thửa đất do nhiều người sử dụng nhưng xác định được diện tích sử dụng riêng của mỗi người thì ghi diện tích sử dụng riêng đó vào dòng tương ứng với tên người sử dụng đất đã ghi ở cột Tên người sử dụng, quản lý.

Trường hợp đất ở và đất nông nghiệp (vườn, ao) trong cùng một thửa thì ghi diện tích vào dòng dưới kế tiếp theo từng loại đất và ghi loại đất tương ứng vào cột Loại đất.

Diện tích thửa đất được đo vẽ theo hiện trạng sử dụng thì ghi vào cột 5;

+ Diện tích thửa đất ghi trên Giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất (là Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc giấy tờ pháp lý khác về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP) được ghi vào cột 7.

– Cột Loại đất:

+ Ghi loại đất theo hiện trạng sử dụng bằng mã quy định điểm 13, mục III của Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư quy định về bản đồ địa chính vào cột 6;

+ Ghi loại đất theo Giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất bằng mã theo quy định tại Thông tư quy định về hồ sơ địa chính vào cột 8.

Trường hợp thửa đất sử dụng vào nhiều mục đích thì ghi lần lượt từng mục đích, mỗi mục đích ghi một dòng;

+ Trường hợp xác định được mục đích chính thì ghi thêm mã “-C” tiếp theo mã của mục đích chính;

+ Mục đích phụ được ghi thêm mã “-P” tiếp theo mã của mục đích phụ.

Thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn được đánh thêm dấu sao “*” vào góc trên bên phải của mã loại đất tại cột 8.

– Cột Ghi chú: ghi chú thích trong các trường hợp sau:

+ Trường hợp thửa đất có nhiều người cùng sử dụng thì ghi “Đồng sử dụng đất”;

+ Trường hợp thửa đất sử dụng tài liệu đo đạc không phải là bản đồ địa chính thì ghi tên của loại bản đồ, sơ đồ sử dụng;

+ Trường hợp thửa đất có biến động thì ghi chú nội dung biến động theo quy định tại Mục 2 của hướng dẫn này.

Thông tin liên hệ

Tư vấn luật đất đai đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề “Hướng dẫn cách ghi sổ mục kê đất đai năm 2023“. Ngoài ra, chúng tôi  có hỗ trợ dịch vụ khác liên quan đến tư vấn pháp lý về gia hạn thời hạn sử dụng đất. Hãy nhấc máy lên và gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833102102 để được đội ngũ Luật sư, luật gia giàu kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ, đưa ra giải đáp cho quý khách hàng.

Câu hỏi thường gặp

Mục đích của sổ mục kê là gì?

Mục đích của sổ mục kê là để tổng hợp các thông tin thuộc tính của thửa đất và các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất

Giá trị pháp lý của sổ mục kê như thế nào?

Trước 01/7/2014: Không được coi là một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật đất đai 2003
Sau 01/7/2014: Là một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Nội dung của sổ mục kê gồm những gì?

Sổ mục kê bao gồm các nội dung sau:
– Số thứ tự tờ bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính;
– Số thứ tự thửa đất, đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất;
– Tên người sử dụng, quản lý đất; mã đối tượng sử dụng, quản lý đất;
– Diện tích;
– Loại đất (bao gồm loại đất theo hiện trạng, loại đất theo giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất).