Chi phí cưỡng chế thu hồi đất ai chịu?

31/08/2022 | 15:25 55 lượt xem Thủy Thanh

Hiện nay việc Nhà nước đưa ra và thực hiện các quyết định thu hồi đất để nhằm sử dụng quỹ đất đo cho mục đích phát triển kinh tế xã hội hay là vì mục đích quốc phòng an ninh diễn ra rất phổ biến. Khi Nhà nước ra quyết định thu hồi đất thì người dân phải tuân theo, tuy nhiên trong nhiều trường hợp người dân không chịu hợp tác thì Nhà nước sẽ ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Vậy khi nào thì được ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất?, và ” chi phí cưỡng chế thu hồi đất ai chịu”?. Để có câu trả lời chính xác, hãy cùng Tư vấn luật đất đai tìm hiểu ngay nhé.

Câu hỏi: Chào luật sư, tôi có nghe nói rất nhiều về vấn đề cưỡng chế thu hồi đất, tuy nhiên lại chưa nắm rõ lắm các quy định về vấn đề này. Luật sư có thể cung cấp cho tôi một vài thông tin về cưỡng chế thu hồi đất được không ạ?. Tôi xin cảm ơn.

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Để giải đáp thắc mắc của mình, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi nhé.

Căn cứ pháp lý

Luật đất đai năm 2013

Cưỡng chế thu hồi đất là gì?

Cưỡng chế thu hồi đất là giải pháp cuối cùng để thực hiện việc thu hồi đất khi người có đất bị thu hồi không hợp tác. Là việc sử dụng quyền lực Nhà nước, dựa trên các quy định của pháp luật để thực hiện việc thu hồi đất nhằm các mục đích cộng đồng, an ninh – quốc phòng. Để tránh việc lạm dụng quyền lực Nhà nước trong việc cưỡng chế thu hồi đất, pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ về thủ tục cưỡng chế thu hồi đất.

Trường hợp được phép thu hồi đất theo luật đất đai

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật đất đai 2013; Nhà nước quyết định thu hồi đất trong những trường hợp sau:

+, Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;

+, Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

+, Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;

+, Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Người sử dụng đất có nghĩa vụ giao lại đất cho Nhà nước khi có quyết định thu hồi đất. Trong trường hợp người sử dụng đất không chấp hành quyết định thu hồi đất; cơ quan nhà nước sẽ tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Điều kiện cưỡng chế thu hồi đất đai


Theo Khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013 cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

– Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;

– Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;

– Quyết định cưỡng chế  thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;

– Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì UBND cấp xã lập biên bản.

Chi phí cưỡng chế thu hồi đất ai chịu
Chi phí cưỡng chế thu hồi đất ai chịu

Chi phí cưỡng chế thu hồi đất ai chịu

Chi phí cưỡng chế thu hồi đất hiểu đơn giản chính là những khoản tiền cần phải trả khi thực hiện hoạt động cưỡng chế thu hồi đất. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 74/2015/TT- BTC; chi phí bao gồm:

  • Chi phí thông báo; tuyên truyền vận động các đối tượng thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất;
  • Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế; phòng chống cháy nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác phục vụ cho việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất;
  • Chi phục vụ công tác tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất;
  • Chi phí niêm phong, phá, tháo dỡ, vận chuyển tài sản; di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan ra khỏi khu đất cưỡng chế; thuê địa điểm, nhân công, phương tiện bảo quản tài sản và các khoản chi phí thực tế hợp pháp khác; phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện bảo quản tài sản;
  • Chi cho công tác quay phim; chụp ảnh phục vụ cho việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất;
  • Chi phí bảo vệ; chống tái chiếm đất;
  • Các nội dung chi khác có liên quan trực tiếp.

Mức kinh phí cưỡng chế thu hồi đất được xác định tối ta bằng 10%  kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường; hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án đầu tư.

Tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 74/2015/TT- BTC ; quy định:

” Căn cứ mức kinh phí được trích cụ thể của từng dự án, tiểu dự án; Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường xác định kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm và cưỡng chế thu hồi đất không quá 10% kinh phí quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này để tổng hợp vào dự toán chung.”

Từ quy định trên; ta có thể thấy nguồn kinh phí để thực hiện cưỡng chế thu hồi đất được lấy từ kinh phí bồi thường; hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án. Nên chủ thể chịu chi phí cưỡng chế thu hồi đất sẽ do chủ đầu tư dự án chi trả; ngân sách chi trả chi phí cưỡng chế thu hồi đất lấy từ ngân sách của dự án.

Chủ thể bị cưỡng chế thu hồi đất không phải chi trả chi phí cưỡng chế thu hồi đất vì hầu hết trong các trường hợp thu hồi đất; thì những chủ thể bị cưỡng chế thu hồi đất chính là những người bị thiệt hại trực tiếp và nặng nề vì việc thu hồi đất; việc chủ dự án phải chịu chi phí cưỡng chế thu hồi đất là một cách để san sẻ những gánh nặng; thiệt hại mà người bị thu hồi đất phải chịu khi bị cưỡng chế thu hồi đất.

Trình tự thủ tục cưỡng chế thu hồi đất


Theo khoản 4 Điều 71 Luật Đất đai 2013 (hướng dẫn tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP) cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Thành lập Ban thực hiện cưỡng chế

Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế gồm:

+ Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện là trưởng ban;

Thành viên gồm:

+ Đại diện các cơ quan tài chính, tài nguyên và môi trường, thanh tra, tư pháp, xây dựng cấp huyện;

+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã;

+ Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng,

+ UBND cấp xã nơi có đất và một số thành viên khác do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.

Bước 2: Vận động, thuyết phục, đối thoại

– Nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Bước 3: Tổ thức thực hiện cưỡng chế

Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế;

– Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế;

– Nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất

– UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại; thực hiện phương án tái định cư; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết; bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi đất;

– Ban thực hiện cưỡng chế chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí; thực hiện cưỡng chế; bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán;

– Lực lượng Công an bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất;

– UBND cấp xã nơi có đất thu hồi thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất; tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất.

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất khi Ban thực hiện cưỡng chế có yêu cầu.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn của tư vấn luật Đất đai về vấn đề Chi phí cưỡng chế thu hồi đất ai chịu“. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.

Nếu quý khách có nhu cầu Tư vấn đặt cọc đất, Bồi thường thu hồi đất, Đổi tên sổ đỏ, Làm sổ đỏ, Tách sổ đỏ, khung giá đền bù đất đai,  tra cứu quy hoạch đất, Giải quyết tranh chấp đất đai, tư vấn luật đất đai…, mời quý khách hàng liên hệ đến hotline: 0833.102.102.

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp

Có những nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất nào?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 71 Luật đất đai 2013; khi cơ quan nhà nước cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất thì cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
– Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan; bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;
– Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.

Ai có thẩm quyền thu hồi đất?

Hiện nay, căn cứ theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành, không phải cơ quan nào cũng có thẩm quyền thu hồi đất mà theo quy định tại Điều 66 Luật đất đai năm 2013 thì chỉ có Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có thẩm quyền thu hồi đất. Trong đó:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền để thu hồi đất trong các trường hợp sau:
– Thu hồi đất mà người sử dụng đất có yếu tố nước ngoài cụ thể là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao trừ trường hợp thu hồi đất của cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
– Thu hồi đối với phần đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
Còn Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (không có yếu tố nước ngoài) hoặc thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, trong khu vực thu hồi đất vừa có đối tượng bị thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vừa có đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì trường hợp này Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định việc thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.

Không đồng ý với quyết định thu hồi đất người dân có thể làm gì?

Trường hợp không đồng tình với quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh, và có căn cứ cho rằng các quyết định đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì bạn có thể khởi kiện vụ án hành chính tại TAND cấp tỉnh nơi UBND các cấp nêu trên ban hành.