Xác định các hình thức sử dụng đất

18/11/2022 | 11:07 90 lượt xem Thủy Thanh

Đất đai là một nguồn tư liệu sản xuất quý giá và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế xã hội của đất nước, bởi vậy nên việc quản lý đất đai được Nhà nước quản lý chặt chẽ. Nhà nước cho phép người sử dụng đất được sử dụng đất thông qua các hình thức sử dụng đất được quy định chi tiết và cụ thể. Vậy việc ” Xác định các hình thức sử dụng đất” được quy định thế thế nào?. Hãy cùng Tư vấn luật đất đai tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Câu hỏi; Chào luật sư, hiện nay pháp luật quy định về việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất … thì đó có phải là các hình thức sử dụng đất hay không ạ?, làm thế nào để xác định các hình thức sử dụng đất ạ?. Tôi xin cảm ơn

Hình thức sử dụng đất là gì?

Hình thức sử dụng đất là cách thức mà Nhà nước sử dụng để ghi nhận, thể hiện quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của một người sử dụng đất (một cá nhân hoặc một hộ gia đình, hai vợ chồng, một cộng đồng dân cư, một tổ chức trong nước, một cơ sở tôn giáo, một cá nhân nước ngoài, một người Việt Nam định cư ở nước ngoài,…) hay thuộc quyền sử dụng của nhiều người sử dụng đất.

Căn cứ Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, hình thức thửa đất được ghi tại trang 2 của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) bên cạnh các thông tin khác về thửa đất như: Số thửa đất, số tờ bản đồ, Địa chỉ thửa đất, diện tích, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng.

Hình thức sử dụng đất gồm 02 loại: Hình thức sử dụng riêng và hình thức sử dụng chung.

Cách ghi hình thức sử dụng đất trong Sổ đỏ

Căn cứ khoản 5 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, hình thức sử dụng đất được ghi rõ trong Sổ đỏ, Sổ hồng như sau:

– Trường hợp toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của một người sử dụng đất (một cá nhân hoặc một hộ gia đình, hai vợ chồng, một cộng đồng dân cư, một tổ chức trong nước, một cơ sở tôn giáo, một cá nhân nước ngoài, một người Việt Nam định cư ở nước ngoài,…) thì ghi “Sử dụng riêng” vào mục hình thức sử dụng;

– Nếu toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người sử dụng đất thì ghi “Sử dụng chung” vào mục hình thức sử dụng;

– Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận nhỏ hơn diện tích cả thửa đất và có hình thức sử dụng chung, sử dụng riêng đối với từng loại đất thì lần lượt ghi “Sử dụng riêng” và mục đích sử dụng, diện tích đất sử dụng riêng kèm theo; ghi “Sử dụng chung” và mục đích sử dụng, diện tích đất sử dụng chung kèm theo.

Xác định các hình thức sử dụng đất

Dựa trên các quy định của pháp luật về đất đai hiện nay, cụ thể là Luật Đất đai 2013, hình thức sử dụng đất được phân loại như sau:

– Nhận quyền sử dụng đất từ Nhà nước:

+, Được Nhà nước giao đất

+, Được Nhà nước cho thuê đất

+, Được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

+, Được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất

– Nhận quyền sử dụng đất từ chủ thể sử dụng đất khác:

+, Nhận chuyển quyền sử dụng đất: chuyển đổi, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, góp vốn.

+, Thuê quyền sử dụng đất từ chủ thể sử dụng đất khác

+, Thuê lại quyền sử dụng đất từ chủ thể sử dụng đất khác.

Hình thức được Nhà nước giao đất

Theo quy định tại Khoản 7 điều 3 Luật đất đai 2013 giải thích: Nhà nước giao quyền sử dụng đất là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất.

Theo đó, sẽ có hình thức giao đất không thu tiền và giao đất có thu tiền sử dụng đất. Cụ thể được quy định tại điều 54 và 55 Luật Đất đai 2013.

Điều 54. Giao đất không thu tiền sử dụng đất

Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này;

2. Người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật này;

3. Tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;

4. Tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước;

5. Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.

Điều 55. Giao đất có thu tiền sử dụng đất

Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

1. Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở;

2. Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;

4. Tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.”

Xác định các hình thức sử dụng đất
Xác định các hình thức sử dụng đất

Hình thức được Nhà nước cho thuê đất

Khoản 8 điều 3 Luật đất đai 2013 quy định: Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước cho thuê đất) là việc Nhà nước quyết định trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất thông qua hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất.

Có hai hình thức tương ứng là thuê đất trả tiền hằng năm và thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

Thuê đất trả tiền hàng năm: chuyển giao quyền sử dụng đất từ Nhà nước sang cho người sử dụng đất để thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp theo thời gian được xác định cụ thể trong hợp đồng thuê đất và người thuê đất phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê đất năm một cho Nhà nước trên cơ sở giá đất Nhà nước được xác định tại thời điểm trả tiền thuê hàng năm. Theo đó, người sử dụng không cần phải chuẩn bị một khoản tiền lớn cho việc thuê đất.

Thuê đất trả tiền một lần: người thuê đất phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê đất một lần cho Nhà nước tương ứng với toàn bộ thời gian thuê đất ngay tại thời điểm ký hợp đồng thuê đất.

Hình thức được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

Người sử dụng đất có quyền xin chuyển mục đích sử dụng đất, miễn thỏa mãn các điều kiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.

Hình thức được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất

Khoản 9 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: “Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định”.

Theo đó, hình thức sử dụng này cần đáp ứng các điều kiện:

  • Đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất (là khi người dân có một trong những loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
  • Đất không thuộc diện đang tranh chấp, hay có đơn từ khởi kiện, không vướng mắc về tính pháp lý của đất.
  • Được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Hình thức Nhận quyền sử dụng đất từ chủ thể sử dụng đất khác

Trong nhiều trường hợp, người dân không được Nhà nước giao, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất,… nhưng vẫn có thể sử dụng đất dưới hình thức nhận quyền sử dụng từ chủ thể khác.

Việc chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê lại,… đều được Luật Đất đai 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 quy định.

Các hình thức sử dụng đất đều phải được cho phép, thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền, theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.

Mục đích sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như thế nào?

Tại khoản 6 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về mục đích sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ cụ thể như sau:

– Mục đích sử dụng đất ghi thống nhất với sổ địa chính bằng tên gọi cụ thể với các loại đất như sau:

+ Nhóm đất nông nghiệp gồm: “Đất chuyên trồng lúa nước”, “Đất trồng lúa nước còn lại”, “Đất trồng lúa nương”, “Đất trồng cây hàng năm khác”, “Đất trồng cây lâu năm”, “Đất rừng sản xuất”, “Đất rừng phòng hộ”, “Đất rừng đặc dụng”, “Đất nuôi trồng thủy sản”, “Đất làm muối”, “Đất nông nghiệp khác”;

+ Nhóm đất phi nông nghiệp gồm: “Đất ở tại nông thôn”, “Đất ở tại đô thị”, “Đất xây dựng trụ sở cơ quan”, “Đất quốc phòng”, “Đất an ninh”, “Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp”, “Đất xây dựng cơ sở văn hóa”, “Đất xây dựng cơ sở dịch vụ xã hội”, “Đất xây dựng cơ sở y tế”, “Đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo”, “Đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao”, “Đất xây dựng cơ sở khoa học và công nghệ”, “Đất xây dựng cơ sở ngoại giao”, “Đất xây dựng công trình sự nghiệp khác”, “Đất khu công nghiệp”, “Đất cụm công nghiệp”, “Đất khu chế xuất”, “Đất thương mại, dịch vụ”.;

“Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp”, “Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản”, “Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm”, “Đất giao thông”, “Đất thủy lợi”, “Đất có di tích lịch sử – văn hóa”, “Đất có danh lam thắng cảnh”, “Đất sinh hoạt cộng đồng”, “Đất khu vui chơi, giải trí công cộng”, “Đất công trình năng lượng”, “Đất công trình bưu chính, viễn thông”, “Đất chợ”, “Đất bãi thải, xử lý chất thải”, “Đất công trình công cộng khác”, “Đất cơ sở tôn giáo”, “Đất cơ sở tín ngưỡng”, “Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa” hoặc “Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà hỏa táng” hoặc “Đất làm nhà hỏa táng” hoặc “Đất làm nhà tang lễ”, “Đất có mặt nước chuyên dùng”, “Đất phi nông nghiệp khác”;

– Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất cho một người sử dụng đất vào nhiều mục đích quy định tại Điểm a Khoản này thì phải ghi đầy đủ các mục đích đó.

Trường hợp thửa đất sử dụng vào nhiều mục đích mà trong đó đã xác định mục đích chính, mục đích phụ thì tiếp sau mục đích chính phải ghi “(là chính)”;

– Trường hợp thửa đất có nhiều người cùng sử dụng, có nhiều mục đích sử dụng khác nhau, trong đó mỗi người sử dụng đất vào một mục đích nhất định thì Giấy chứng nhận cấp cho từng người phải ghi mục đích sử dụng đất của người đó và ghi chú thích “thửa đất còn sử dụng vào mục đích… (ghi mục đích sử dụng đất khác còn lại) của người khác” vào điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận;

– Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà một phần diện tích được công nhận là đất ở và phần còn lại được công nhận sử dụng vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp thì lần lượt ghi “Đất ở” và diện tích được công nhận là đất ở kèm theo, tiếp theo ghi lần lượt từng mục đích sử dụng đất cụ thể thuộc nhóm đất nông nghiệp và diện tích kèm theo;

– Việc xác định mục đích sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Luật Đất đai 2013 và Điều 3 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Thông tin liên hệ

Vấn đề “Xác định các hình thức sử dụng đất“ đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. Tư vấn luật Đất đai.com luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên viên tư vấn pháp lý, quý khách hàng có vướng mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý liên quan như là muốn soạn thảo hợp đồng cho thuê đất làm nhà xưởng, vui lòng liên hệ đến hotline: 0833.102.102. Chúng tôi sẽ giải quyết các khúc mắc của khách hàng, làm các dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp

Các chủ thể sử dụng đất là ai?

Chủ thể sử dụng đất là người đang thực tế sử dụng đất đai do Nhà nước giao, cho thuê, cho phép nhận quyền sử dụng đất hoặc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.
Các chủ thể sử dụng đất này gồm các tổ chức trong nước; cá nhân, hộ gia đình trong nước; cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo Điều 5 Luật Đất đai năm 2013.
Như vậy có thể phân loại chủ thể sử dụng đất thành 02 nhóm, gồm:
Nhóm chủ thể sử dụng đất trong nước:
Hộ gia đình, cá nhân giao đất, cho thuê đất;
Các tổ chức trong nước bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế – xã hội, tổ chức sự nghiệp công, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác theo quy định của Chính phủ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất;
Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng,
ấp, bản, buôn, phum, sóc và các điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ được Nhà nước giao đất;
Cơ sở tôn giáo gồm: chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước giao đất.
Nhóm chủ thể sử dụng đất có yếu tố nước ngoài
Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất;
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư, hoạt động văn hoá, hoạt động khoa học thường xuyên hoặc về sống ổn định tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam giao đất, cho thuê đất, được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;
Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo pháp luật về đầu tư được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất.

Các hình thức sử dụng đất đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như thế nào?

Luật đất đai 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (sau đây gọi tắt là Luật Đất đai), quy định các hình thức sử dụng đất đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như:
Giao đất có thu tiền sử dụng đất: 
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê (Khoản 3 Điều 55 Luật Đất đai);
Cho thuê đất: 
Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê (Điểm đ khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai)
Nhận quyền sử dụng đất: 
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê (Điểm b khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai);
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp đang sử dụng đất có nguồn gốc được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê mà giá trị quyền sử dụng đất đã được vốn hóa vào vốn của doanh nghiệp, trừ trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp.
Doanh nghiệp, các thành viên là chủ sở hữu doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn đầu tư phải xác định phần vốn là giá trị quyền sử dụng đất trong tổng giá trị vốn chuyển nhượng và phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật (Khoản 1, 2 Điều 39 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014).