Hướng dẫn giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất năm 2022

02/07/2022 | 18:40 7 lượt xem Thanh Loan

Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất nhà ở là một loại tranh chấp phổ biến được giải quyết tại Tòa án. Việc giải quyết loại tranh chấp này không hề đơn giản vì phải trải qua rất nhiều bước. Nếu bạn đang gặp khó khăn liên quan đến giải quyết tranh chấp thừa kế đất đai thì có thể tham khảo nội dung bài viết dưới về hướng dẫn giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất nhà ở.

Căn cứ pháp lý

Khi nào quyền sử dụng đất được coi là di sản thừa kế?

Theo quy định tại Mục 1 Phần II Nghị quyết 02/ 2004/NQ-HĐTP quyền sử dụng đất là di sản khi:

Trường hợp đất đai có giấy tờ

  • Đất do người chết để lại dù là có tài sản; không có tài sản gắn liền với đất mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo Luật Đất đai qua các thời kỳ thì quyền sử dụng đất đó là di sản thừa kế.
  • Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993; Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất; giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;…) thì quyền sử dụng đất đó cũng là di sản thừa kế.

Trường hợp đất đai không có giấy tờ

Trường hợp đất đai do người chết để lại mà không có một trong các loại giấy tờ như trên nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác (nhà bếp; nhà tắm; nhà vệ sinh; chuồng trại chăn nuôi; cây công nghiệp hay các cây lâu năm khác;…) gắn liền với quyền sử dụng đất. Đồng thời, có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp; nhưng chưa kịp cấp sổ đỏ, thì quyền sử dụng đất đó là di sản thừa kế. Toà án sẽ giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đó.

Điều kiện thừa kế quyền sử dụng đất

Đất đai là loại tài sản đặc biệt, việc thực thiện quyền thừa kế đất đai cũng tương tự như việc thực hiện các giao dịch khác liên quan đến đất. Người sử dụng đất nếu muốn thực hiện quyền thừa kế đất đai thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của người có đất. Một cá nhân/tổ chức không thể định đoạt quyền sử dụng đất nào đó khi không chứng minh được mình có quyền đối với đất đó. Tuy nhiên đối với tường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài; hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhưng được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.

Đất không có tranh chấp

Tranh chấp đất đai là việc các bên có mâu thuẫn, xung đột nhau về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật đất đai. Khi xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất nghĩa là thực trạng pháp lý của diện tích đất đang tranh chấp đó chưa được rõ ràng. Quyền sử dụng đất và nghĩa vụ của các bên chưa được phân định. Nếu thực hiện quyền thừa kế đất đai đang trong tình trạng tranh chấp thì sẽ không phù hợp với lý luận và thực tế. Dẫn tới hệ lụy nhiều tranh chấp mới có thể phát sinh thêm từ chính những tranh chấp đã có. Do đó, đất đai nếu đang có tranh chấp thì sẽ không thực hiện được quyền thừa kế.

Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án

Quyền sử dụng đất khi đã bị kê biên để đảm bảo thi hành án thì đương nhiên sẽ không thể thực hiện quyền thừa kế đất đai. Vì quyền sử dụng đất về nguyên tắc thuộc quyền tài sản của người sử dụng đất. Quyền tài sản đó phải có được đem ra để bảo đảm cho nghĩa vụ người sử dụng đất trong trường hợp người có đất không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình. Quy định như vậy là nhằm hạn chế trường hợp người có tài sản trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ liên quan đến tài sản của mình.

Trong thời hạn sử dụng đất

Thời hạn sử dụng đất là khoảng thời gian mà người sử dụng đất được thực hiện các quyền của mình, một trong số những quyền đó là quyền thừa kế đất đai. Thời hạn này được xác định qua căn cứ xác lập quyền sử dụng đất và các quy định về thời hạn sử dụng đất của pháp luật đất đai. Thời hạn sử dụng đất bao gồm đất có thời hạn sử dụng ổn định lâu dài và đất sử dụng có thời hạn. Do đó, khi thực hiện quyền thừa kế đất đai cũng phải lưu ý tới điều kiện này.

Hướng dẫn giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, nhà ở năm 2022
Hướng dẫn giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, nhà ở năm 2022

Hướng dẫn giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, nhà ở năm 2022

Hồ sơ chia thừa kế đất đai gồm những gì?

Một vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất sẽ có rất nhiều tài liệu cần phải chuẩn bị. Chỉ khi thu thập; chuẩn bị đầy đủ; đúng chứng cứ thì việc giải quyết vụ án tranh chấp thừa kế đất đai mới đúng pháp luật. Đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cho các bên nhận thừa kế. Để có căn cứ giải quyết triệt để một vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thì cần chuẩn bị những tài liệu, giấy tờ sau:

  • Đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.
  • Tài liệu chứng minh người khởi kiện: Giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân); sổ hộ khẩu gia đình; giấy khai sinh. Nếu người khởi kiện là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì cần nộp thêm tài liệu chứng minh của người đại diện theo pháp luật khởi kiện tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.
  • Giấy tờ, tài liệu chứng minh của các đồng thừa kế đất đai: Những giấy tờ này cũng tương tự như những tài liệu của người khởi kiện giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.
  • Các tài liệu chứng minh quyền thừa kế của người yêu cầu giải quyết tranh chấp thừa kế đất đai: Giấy khai sinh; giấy đăng ký kết hôn; di chúc; văn bản xác nhận quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng của cơ quan có thẩm quyền;…
  • Các tài liệu, giấy tờ làm căn cư phát sinh quan hệ pháp luật thừa kế: Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế đất đai; Quyết định tuyên bố một người đã chết của Tòa án;…
  • Giấy tờ, tài liệu chứng minh di sản thừa kế đất đai: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy tờ khác thể hiện quyền sử dụng đất của người để lại di sản thừa kế đất đai; giấy tờ về việc mua bán, tặng cho quyền sử dụng đất;…
  • Các văn bản làm việc giữa các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp thừa kế đất đai: Biên bản họp gia đình; biên bản giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất trong dòng họ; biên bản hòa giải tại UBND xã (nếu đã hòa giải tranh chấp thừa kế đất đai tại UBND xã);…

Giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất

Hòa giải tranh chấp chia thừa kế đất đai

Tranh chấp thừa kế đất đai thường diễn ra giữa những người có quan hệ gia đình với nhau. Do đó, để giữ hòa khí chung mọi người thường tự tìm phương án giải quyết trước. Một trong những cách hay được sử dụng là tiến hành họp gia đình, họp họ tộc. Nhiều trường hợp dù đã cố gắng nhưng các bên không thể tự hòa giải với nhau. Nếu muốn hòa giải thì các bên có thể làm đơn yêu cầu UBND xã đứng ra hòa giải. Việc hòa giải này trong trường hợp giải quyết tranh chấp thừa kế đất đai là không bắt buộc. Tuy nhiên, pháp luật vẫn khuyến khích các bên thực hiện thủ tục hòa giải này.

Khởi kiện giải quyết tranh chấp thừa kế đất đai

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, người khởi kiện có thể nộp hồ sơ chia di sản thừa kế đất đai tới Tòa án bằng cách nộp trực tiếp tại Tòa án; sử dụng dịch vụ bưu chính của đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp; hoặc gửi hồ sơ chia thừa kế đất đai trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Bước 2: Nộp tạm ứng án phí, nhận thông báo thụ lý

Khi hồ sơ khởi kiện tranh chấp thừa kế di sản đất đai đã được Tòa án tiếp nhận. người khởi kiện sẽ nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí. Khoản tiền án phí này được nộp tại cơ quan thi hành án dân sự. Người khởi kiện phải nộp lại biên lai xác nhận đã nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Sau khi người khởi kiện đã thực hiện nghĩa vụ tài chính ban đầu, Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.

Bước 3: Tham gia giải quyết tranh chấp thừa kế đất đai tại Tòa án

Tòa án sẽ tiến hành các công việc cần thiết để giải quyết chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Cụ thể:

  • Lấy lời khai của các bên tranh chấp và những người liên quan.
  • Xác minh, thu thập tài liệu cần thiết trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai
  • Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Những việc làm trên nhằm mục đích làm sáng tỏ nội dung tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Xác định rõ nguồn gốc quyền sử dụng đất; những người được hưởng thừa kế đất đai theo di chúc, thừa kế đất đai theo pháp luật; Thời điểm chính xác mở thừa kế; thực trạng di sản thừa kế đất đai tại thời điểm mở thừa kế;… Đồng thời sẽ phân tích, giải thích cho các bên tranh chấp hiểu quyền; nghĩa vụ của mình để cố gắng đạt được sự thỏa thuận giữa các bên tranh chấp với nhau.

Bước 4: Mở phiên Tòa xét xử vụ án tranh chấp thừa kế đất đai

Trường hợp các bên không thể đàm phán, hòa giải được thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. Phán quyết cuối cùng của Tòa án được đưa ra dựa trên sự xem xét, đanh giá các tài liệu chứng cứ trong cả quá trình tố tụng. Tại đây, các bên vẫn có quyền tranh luận; đưa ra những ý kiến để bảo vệ cho quyền lợi nhận di sản thừa kế đất đai của mình.

Thông tin liên hệ

Trên đây là quan điểm của Tư vấn luật đất đai về “Hướng dẫn giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất năm 2022”. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc cần tư vấn về thành lập doanh nghiệp; tra mã số thuế cá nhân, xác nhận độc thân;… vui lòng liên hệ qua hotline: 0833 102 102.  Hoặc qua các kênh sau:

Mời bạn xem thêm bài viết:

Câu hỏi thường gặp

Thời hiệu yêu cầu chia thừa kế nhà đất là bao lâu?

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản đối với bất động sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết). Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Bên cạnh đó, thời gian sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Ngoài ra, theo Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC ngày 12/5/2021, có một số trường hợp về thời hiệu khởi kiện cần nắm rõ như sau:
– Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990, cụ thể: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản được tính từ ngày 10/9/1990.
– Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10. Theo đó, thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện (theo khoản 2 Điều 17 Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10).
– Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11. Theo đó, thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện (theo khoản 2 Điều 39 Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11).

3 cách giải quyết tranh chấp thừa kế nhà đất hiện nay là gì?

Tranh chấp thừa kế nhà đất là việc mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên trong quan hệ thừa kế như tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền hưởng di sản, tranh chấp do các phần di sản được hưởng không bằng nhau,… Khi xảy ra tranh chấp thì các bên có những hình thức giải quyết như sau:
– Thương lượng: Là việc hai bên tự thỏa thuận với nhau và đưa ra cách giải quyết mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba (pháp luật không quy định thủ tục thực hiện).
– Hòa giải: Là cách giải quyết mà có người trung gian giúp các bên đưa ra phương án giải quyết tranh chấp (pháp luật không quy định thủ tục thực hiện).
– Khởi kiện: Là cách giải quyết tranh chấp tại Tòa án bằng việc gửi đơn khởi kiện (phải có đơn khởi kiện và theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế đất đai thuộc về ai?

Tranh chấp thừa kế đất đai là dạng tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Theo khoản 5 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.