Thực trạng quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã năm 2023

17/03/2023 | 09:03 172 lượt xem Hương Giang

Nhà nước là cơ quan đại diện cho người dân đứng ra quản lý việc sử dụng đất đai. Công tác quản lý, phân công chỉ đạo trong lĩnh vực đất đai được Nhà nước phân chia cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo từng cấp. Tuy nhiên, hiện nay có thể thấy, công tác quản lý đất đai ở cấp xã vẫn chưa thực sự hiệu quả và khắc phục được các vấn đề trên địa bàn. Nhiều độc giả băn khoăn không biết Thực trạng quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã hiện nay như thế nào? Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác quản lý đất đai được quy định ra sao? Cần có giải pháp nào để nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã? Sau đây, Tư vấn luật đất đai sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi nêu trên và cung cấp những quy định pháp luật liên quan. Hi vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.

Căn cứ pháp lý

  • Luật đất đai 2013

Tổng quan về Ủy ban nhân dân cấp xã

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong lĩnh vực đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn: quản lý quỹ đất công ích, quản lý đất chưa sử dụng, xác định nguồn gốc đất đai và tình trạng đất đai, xử lý vi phạm hành chính, tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai, thực hiện một số công đoạn trong thủ tục hành chính về đất đai.

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã có chức năng (chính) quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn xã trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng theo các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và theo sự phân công chỉ đạo thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý đất đai xuất phát từ việc phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện nhằm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân huyện. Vậy Thực trạng quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã hiện nay như thế nào?

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác quản lý đất đai

Trách nhiệm của UBND cấp xã nói chung

1/ Xác định nguồn gốc, tình trạng đất đai để làm các thủ tục hành chính về đất đai như cấp Giấy chứng nhận, chuyển quyền sử dụng đất hoặc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

2/ Đối với trách nhiệm quản lý đất công ích, UBND cấp xã có trách nhiệm trích lập quỹ đất công ích cấp xã để trình HĐND xét duyệt; quản lý và sử dụng quỹ đất công ích đúng với mục đích, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

3/ Đối với đất chưa sử dụng, UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn và đăng ký vào hồ sơ địa chính; đề xuất phương án sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển có diện tích chưa sử dụng để trình UBND cấp huyện duyệt.

4/ Rà soát hiện trạng sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn để xử lý những vấn đề liên quan; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định.

5/ Đối với việc quản lý hồ sơ địa chính, UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn để thiết lập, quản lý hồ sơ địa chính; đồng thời sử dụng, bảo quản, khai thác thông tin đất đai từ hồ sơ địa chính theo đúng quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã nói riêng

Điều 208 Luật đất đai 2013 quy định Trách nhiệm quản lý đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:

  1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
  2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Trong trường hợp UBND cấp xã không làm tròn trách nhiệm được giao, thì cá nhân, tổ chức phát hiện có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền sau:

  • Nếu công chức địa chính xã, phường, thị trấn vi phạm > gửi kiến nghị đến Chủ tịch UBND cấp xã.
  • Nếu công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai cấp nào vi phạm > gửi kiến nghị đến thủ trưởng của cơ quan quản lý đất đai cấp đó.
  • Nếu thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai vi phạm > gửi kiến nghị đến Chủ tịch UBND cùng cấp.

Tóm lại, bên cạnh thẩm quyền thì UBND cấp xã còn phải có trách nhiệm đối với đất UBND xã quản lý. Mọi hoạt động thực hiện quyền hay trách nhiệm đều phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. UBND cấp xã có quyền xử lý đối với những vi phạm của cá nhân, tổ chức trong phạm vi đất đai mình quản lý. Nhưng ngược lại, tổ chức, cá nhân cũng có quyền kiện ngược lại UBND cấp xã nếu phát hiện cán bộ, công chức cấp xã không hoàn thành trách nhiệm được giao.

Thực trạng quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã

Trong những năm gần đây, quản lý nhà nước về đất đai của UBND cấp xã đạt được những kết quả nhất định: Thực hiện quy hoạch, kế hoạch đất đã được phê duyệt cơ bản đảm bảo, công tác quản lý HSĐC đã đi vào nề nếp, các hoạt động đánh giá hiện trạng sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai được đảm bảo hơn; hồ sơ về đất đai của người dân được thực hiện theo thủ tục hành chính của cơ chế một cửa, một cửa liên thông bước đầu đáp ứng yêu cầu trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai hướng tới đảm bảo quản lý và sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích của các tổ chức, công dân, phục vụ tích cực công cuộc đổi mới của địa phương, đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác quản lý nhà nước về đất đai của UBND cấp xã còn tồn tại những hạn chế nhất định: Còn để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật như sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, có  hành vi lấn chiếm đất; tình trạng tranh chấp đất đai ngày càng gia tăng ở các địa phương, chính quyền cơ sở một số nơi chưa làm tốt công tác hòa giải tranh chấp đất đai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp trên phê duyệt có nơi chưa làm tốt; một số chính quyền địa phương cơ sở còn có lúc buông lỏng quản lý, có những yếu kém nhất định về công tác chỉ đạo, điều hành.

Những hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân: Người sử dụng đất chưa quan tâm tìm hiểu các quy định pháp luật về đất đai để bảo vệ quyền lợi cho mình, chưa thực hiện đúng, đủ các nghĩa vụ của người sử dụng đất. Việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về đất đai đến nhân dân trong địa bàn phường chưa chủ động, tích cực, chất lượng các buổi tuyên truyền chưa cao. Người dân ít quan tâm tới công tác tuyên truyền trong lĩnh vực đất đai, chỉ khi nào quyền lợi của mình bị ảnh hưởng họ mới có ý kiến. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đất đai thường xuyên thay đổi. Giá đền bù quyền sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thường thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Vì vậy, công tác thu hồi, bồi thường cũng có những khó khăn nhất định. Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức địa chính cấp xã một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã trong lĩnh vực đất đai

Vi phạm pháp luật đất đai là hành vi trái pháp luật do chủ thể có năng lực hành vi thực hiện, có lỗi và xâm hại đến quan hệ đất đai được pháp luật bảo vệ. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Pháp luật đất đai quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc về chủ tịch UBND cấp xã. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của chủ tịch UBND cấp xã được quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy về thẩm quyền của chủ tịch UBND các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính như sau:

“Chủ tịch UBND cấp xã có quyền:

(a) Phạt cảnh cáo;

(b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

(c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;

(d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm”.

Như vậy, phụ thuộc vào mức phạt đối với hành vi vi phạm lĩnh vực đất đai để xem xét có thuộc thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND cấp xã hay không. Ví dụ, đối với hành vi lấn chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn, chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt đối với diện tích đất lấn chiếm dưới 0,1 hecta. Do hình thức và mức xử phạt đối với hành vi lấn chiếm đất: từ 2.000.000 đến 3.000.000 (dưới 0,05 hecta) và từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng (dưới 0,1 hecta).

Thực trạng quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã
Thực trạng quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã

Cần có giải pháp nào để nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã?

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai của UBND cấp xã cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. UBND cấp tỉnh, Sở TN&MT, UBND cấp huyện, Phòng TN&MT cấp huyện cần có sự kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch kết hợp kiểm tra đột xuất đối với hoạt động quản lý nhà nước về đất đai của UBND cấp xã, nếu thấy sự thiếu sót, buông lỏng cần có sự chấn chỉnh kịp thời, cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật trong công tác quản lý đất đai ở cơ sở.

Hai là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho công chức địa chính cấp xã. Hằng năm, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh, Sở TN&MT cần tăng cường các đợt tập huấn về kiến thức pháp luật đất đai, chuyên môn nghiệp vụ, cũng như nâng cao trình độ tin học để công chức địa chính các xã, phường, thị trấn có thể khai thác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tốt cho công việc. Chú trọng việc trang bị kỹ năng về giao tiếp hành chính, kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình thực thi công vụ.

Ba là, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã phải không ngừng học tập, thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc các quy định của pháp luật đất đai, cũng như kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai,

Bốn  là, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thực hiện việc tuyển dụng đối với công chức địa chính cấp xã, tạo cho họ yên tâm và tâm huyết với công việc được giao. Công chức địa chính tại cấp xã nên bố trí cố định trong thời gian dài để họ có thể bám địa bàn, nắm rõ tình hình sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc của các thửa đai.

Năm  là, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm cho lĩnh vực quản lý đất đai, trang bị máy móc, tủ đựng tài liệu – hồ sơ địa chính. UBND cấp xã cần đề xuất những khó khăn hoặc kiến nghị cụ thể trong quá trình quản lý để cấp trên kịp thời hướng dẫn, giải quyết đảm bảo cho việc hoàn thành nhiệm vụ đồng thời phục vụ nhân dân đạt kết quả cao.

Sáu là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đất đai đến từng người dân trong địa bàn xã, phường, thị trấn đi đôi với việc thiết lập cơ chế hỗ trợ pháp lý cho người có quyền sử dụng đất để họ bảo vệ được quyền lợi của mình và chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật đất đai nhằm đảm bảo tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa.

Mời bạn xem thêm:

Thông tin liên hệ

Tư vấn luật đất đai đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề “Thực trạng quản lý nhà nước về đất đai ở cấp xã”. Ngoài ra, chúng tôi  có hỗ trợ dịch vụ pháp lý khác liên quan đến lệ phí làm sổ đỏ. Hãy nhấc máy lên và gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833.102.102 để được đội ngũ Luật sư, luật gia giàu kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ, đưa ra giải đáp cho quý khách hàng.

Câu hỏi thường gặp

Trách nhiệm quản lý hồ sơ địa chính của Ủy ban nhân dân cấp xã như thế nào?

Hồ sơ địa chính là tập hợp tài liệu thể hiện thông tin chi tiết về hiện trạng và tình trạng pháp lý của việc quản lý, sử dụng các thửa đất, tài sản gắn liền với đất để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong quản lý hồ sơ địa chính, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan chuyên môn thiết lập, quản lý hồ sơ địa chính. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sử dụng, bảo quản, khai thác thông tin đất đai địa chính theo quy định của pháp luật.

Quản lý đất chưa sử dụng của Ủy ban nhân dân cấp xã ra sao?

Đất chưa sử dụng là nhóm đất thứ ba trong phân loại đất đai của Luật đất đai năm 2013. Đất chưa sử dụng là đất chưa xác định được mục đích sử dụng, bao gồm: đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây.
Đối với diện tích đất chưa sử dụng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn và đăng ký vào hồ sơ địa chính. Đồng thời, hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình quản lý, khai thác quỹ đất chưa sử dụng (Điều 164 Luật đất đai năm 2013).

Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất nông nghiệp của xã như thế nào?

Theo quy định pháp luật trường hợp đất mà nằm trong quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì không được bồi thường về đất theo điểm d, khoản 1, Điều 76 của Luật Đất đai 2013 mà đối với loại đất này thì sẽ chỉ được bồi thường về chi phí đầu tư vào đất còn lại, chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí bao gồm có chi phí như: chi phí san lấp mặt bằng; cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh; Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất đã trúng thầu.